image banner
Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Búp bê ngô đầy sáng tạo

“Mô hình các dân tộc Mường Khương quê em” tái hiện hoạt động sinh hoạt văn hóa ở vùng cao, bao gồm nhà văn hóa, nhà ở của người dân, bàn ghế, búp bê... Sản phẩm gây ấn tượng với Ban Giám khảo và khán giả bởi được làm hoàn toàn từ lõi ngô, bắp ngô, hạt ngô... Ngô là loại cây trồng phổ biến ở vùng cao, không chỉ là nguồn kinh tế chính của mỗi gia đình mà còn là loại thực phẩm truyền thống. Những năm kinh tế khó khăn, các gia đình ở vùng cao thường ăn mèn mén làm bằng ngô thay cơm. Thân cây ngô mang về làm thức ăn cho gia súc. Hằng ngày, từ sáng sớm, cha mẹ các em đã lên đồi trồng ngô, mang về no ấm cho mỗi căn nhà... Các em nhỏ ở vùng cao cũng đều lớn lên trên lưng mẹ, trên những nương ngô bạt ngàn. Loài cây thân thuộc này đã nhen nhóm ý tưởng cho các em sáng tạo nên sản phẩm độc đáo và ý nghĩa.

“Mô hình các dân tộc Mường Khương quê em” được làm hoàn toàn bằng ngô.

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ của mình, hai em Mừng và Mạnh đã gọt dũa, ghép lõi ngô tạo thành hình búp bê, làm hàng rào, thân cây, cột nhà; lấy râu ngô bện làm tóc; lá ngô lợp mái nhà và khâu tay những bộ trang phục của 14 dân tộc mặc cho búp bê. Em Sin Thị Mừng chia sẻ: Sản phẩm đơn giản, nên em và các bạn đều có thể làm được, nguyên liệu lại sẵn có, chơi búp bê ngô không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường.

Em Thền Chín Mạnh cầm búp bê ngô trên tay nói với chúng tôi: Đây là búp bê ngô dân tộc Nùng. Khoác cho búp bê ngô bộ trang phục của dân tộc mình, em rất tự hào và thấy thêm yêu bộ trang phục hơn. Bộ sưu tập còn có nhiều búp bê của các dân tộc khác như Mông, Dao, Tày, Phù Lá, Tu Dí, Pa Dí... cũng giống như em và các bạn của mình là dân tộc khác nhau, nhưng đều đoàn kết, cùng nhau học tập, vươn lên, gìn giữ và phát huy bản sắc dưới mái trường.

Trong cuộc thi, hai em đã tự tin giới thiệu sản phẩm dự thi của mình. Các em không chỉ mô tả sản phẩm, mà còn tự hào giới thiệu về những vùng đất, con người và văn hóa các dân tộc. Phần thi của các em tái hiện sinh động sắc màu 14 dân tộc, thể hiện sự hiểu biết và niềm tự hào văn hóa bản địa. Vậy là sản phẩm búp bê ngô nhỏ bé, nhưng lại chứa đựng ý nghĩa lớn hơn nhiều.

Hướng dẫn học sinh làm mô hình tham gia cuộc thi.

Chị Nguyễn Thị Kiều Giang, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, người trực tiếp hướng dẫn các em tham gia cuộc thi cho biết: Tôi cảm nhận được sức sáng tạo tiềm ẩn của trẻ em vùng cao, bởi các em được trải nghiệm với thiên nhiên, với màu sắc cuộc sống từ rất sớm. Những thiếu thốn trong cuộc sống cũng là động lực để các em sáng tạo sản phẩm từ những vật liệu bình dị.

Những búp bê ngô đang được trưng bày tại phòng truyền thống của Trường PTDT bán trú Tiểu học Nấm Lư. Hai chủ nhân nhỏ hào hứng hướng dẫn các bạn của mình làm những cô búp bê tương tự để cùng vui chơi, nô đùa. Giải thưởng các em đạt được sẽ khơi gợi sự sáng tạo của học sinh để Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lào Cai những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều sản phẩm nhỏ, ý nghĩa lớn của những học trò vùng cao hiếu học, sáng tạo.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5  ...